Tháng 4/2025, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chi bộ 35 (phòng Quan hệ công chúng) đã tổ chức chương trình về nguồn tại Nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị thiết thực do đồng chí Bạch Thị Thanh Hà - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quan hệ công chúng làm trưởng đoàn. Chuyến về nguồn đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ôn lại truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức về những lý tưởng cách mạng cao đẹp và trách nhiệm trong công tác.
Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc thuộc xã Dương Tơ (nay là An Thới), được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng đầu năm 1967. Trong chiến tranh Đông Dương, nhà tù này còn có tên là nhà lao Cây Dừa. Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ gần 40.000 tù binh. Đến năm 1995, nơi đây được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, cũng kể từ đó, nhà tù được mở cửa cho du khách đến tham quan.
Đây là địa điểm được phục dựng và tái hiện chân thực những cảnh tra tấn dã man được Mỹ và chính quyền Sài Gòn áp dụng tại nhà tù. Kể những câu chuyện thời chiến bằng chính hình nộm tù nhân và binh lính khiến du khách cảm nhận rõ nét nhất về hiện thực tàn khốc thời kỳ đấu tranh giành độc lập của quân và dân ta trong quá khứ.
Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc được xây dựng trên diện tích 400ha, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân.
Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt. Nơi đây ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược.
Đến cổng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc ngay từ xa, nhiều người không khỏi rùng mình khi chứng kiến gần chục lớp hàng rào dây thép gai sắc nhọn...Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là nơi giam cầm gần 40.000 lượt tù binh và là nơi thấm đẫm máu đào của gần 4.000 liệt sĩ bị địch sát hại. Tại nhà tù, bọn chúng lập nên nhiều chuồng cọp để nhốt các tù binh ngoài trời.
Giữa năm 1968, phong trào đấu tranh của tù binh lên cao, Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho xây dựng các biệt giam 2,4,5,6, trong đó biệt giam B2 khủng khiếp và tàn ác nhất. Các đòn tra tấn có tàn bạo đến đâu vẫn không làm lung lay ý chí của các tù binh cách mạng yêu nước. Dưới ngọn cờ của Đảng, các tù binh tìm cách vượt ngục và tiếp tục chiến đấu.
Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục, trong đó phải kể đến cuộc vượt ngục sau 6 tháng ròng rã đào, hình thành đường hầm dài 120m, rộng 60cm, đưa 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21/1/1969. Chương trình về nguồn đã diễn ra thành công tốt đẹp và để lại nhiều ý nghĩa cũng như kỷ niệm không chỉ nơi đoàn đến công tác mà còn khơi dậy trong mỗi đảng viên, quần chúng ưu tú lòng tự hào về Đảng cũng như được tiếp thêm niềm tin và quyết tâm thực hiện học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, ý chí, bản lĩnh của Bác Hồ và những người chiến sĩ cách mạng trung kiên không lùi bước trước đòn roi tàn ác của kẻ thù.
Là những người con, sinh ra và lớn lên trong thời bình, qua những hình ảnh của chuyển đi thực tế các đảng viên, quần chúng ưu tú của Chi bộ 35 càng hiểu thêm được những mất mát, đau thương, những sự hy sinh cống hiến của biết bao thế hệ cha ông để có được ngày hôm nay, để đất nước ta tươi đẹp được như bây giờ. Một phần của quá khứ đã lùi xa, thế hệ đảng viên hôm nay thầm nhuần truyền thống cách mạng hào hùng, nguyện sống và nỗ lực cống hiến để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Thời gian ghé thăm Phú Quốc tuy ngắn ngủi nhưng đoàn công tác đã tích cực tham quan, tìm hiểu về lịch sử, địa danh, con người nơi đây. Đoàn đã kính cẩn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, các mô hình tra tấn những người hoạt động cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Ai nấy đều xúc động sâu sắc trước những hình thức tra tấn dã man đối với những chiến sỹ cộng sản năm xưa, nếu không đến đây, không thể tưởng tượng nổi sự tàn bạo, man rợ của những loại hình tra tấn mà do chính con người nghĩ ra. Nó thực sự là địa ngục trần gian, và sự hy sinh xương máu của gần 40 ngàn tù nhân với trên 4000 liệt sỹ là minh chứng đau thương cho tội ác của chiến tranh nhưng cũng viết lên bản hùng ca bi tráng cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người cộng sản – Là các thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong độc lập, tự do hôm nay.
Đã có những giọt nước mắt không ngăn lại được, trái tim mỗi thành viên trong đoàn đều nhói đau khi đi thăm và nghe hướng dẫn viên giới thiệu các khu giam cầm và tra tấn tù nhân tại khu di tích: Một quá khứ bi hùng và quá đỗi đau thương! Dường như sau đó ai cũng tự kiểm điểm lại mình và tự hứa sẽ tiếp tục sống, lao động, công tác, cống hiến sao cho xứng đáng với những hy sinh cúa những người chiến sỹ cách mạng năm xưa.
Dưới đây là một số hình ảnh của hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của Chi bộ 35 - Phòng QHCC.
VCB News